HƯỚNG DẪN PHÁP LÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

Tra cứu nhãn hiệu

Kết quả tra cứu nhãn hiệu sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá nhãn hiệu có khả năng đăng ký thành công hay không.

 

Tại sao phải tra cứu nhãn hiệu?

Như trình bày ở bài Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, thời gian Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam thẩm định hồ sơ đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài đến hơn 1 năm.

Trong quá trình thẩm định, nếu nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng, đơn sẽ bị từ chối bảo hộ.

Trong khi đó, tra cứu nhãn hiệu chỉ mất 5 – 7 ngày, nhưng sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá khả năng thành công đăng ký nhãn hiệu, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.

Tra cứu nhãn hiệu gồm 2 loại: tra cứu sơ bộ và tra cứu nâng cao.

 

Tra cứu sơ bộ

Cách tra cứu này giúp doanh nghiệp xác định sơ bộ các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn.

Việc tra cứu sơ bộ được thực hiện thông qua cơ sở dữ liệu điện tử của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).

Các cơ sở dữ liệu trên chỉ cho phép người dùng biết một số thông tin cơ bản về nhãn hiệu tra cứu như: số đơn, tên nhãn hiệu, màu sắc nhãn hiệu, nhóm sản phẩm dịch vụ kèm nhãn hiệu, tên chủ sở hữu … đã được bảo hộ.

Cách tra cứu sơ bộ chỉ thể hiện chủ yếu các nhãn hiệu có phần trùng hoặc tương tự về phần chữ và không có hiệu quả cao đối với các nhãn hiệu bằng hình ảnh.

Các dữ liệu tra cứu sơ bộ không thể đưa ra bất cứ một sự so sánh hay lời tư vấn nào giúp nhãn hiệu dự kiến đăng ký có thể được bảo hộ. Do đó, cách tra cứu sơ bộ có độ chính xác thấp.

 

Tra cứu nâng cao (tra cứu có đối chứng)

Trong đơn đăng ký nhãn hiệu gồm có 3 phần:

  • Phần hình của nhãn hiệu.
  • Phần chữ của nhãn hiệu.
  • Và phần mô tả các đặc tính xuất hiện trong nhãn hiệu.

Việc tra cứu nâng cao lại cho phép tra cứu chuyên sâu cả 3 phần trên, nên mức độ chính xác cao hơn.

Kết quả tra cứu sẽ cho biết phần nào của nhãn hiệu dự định đăng ký bị xem là trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác sẽ được đề nghị loại bỏ.

Tra cứu nâng cao đồng thời cho biết có vụ việc vi phạm nhãn hiệu hay không qua việc so sánh các thành phần nhãn hiệu.

Kết quả tra cứu được xử lý bởi các chuyên gia về nhãn hiệu có thể đưa ra đánh giá tỷ lệ phần trăm thành công và tư vấn các giải pháp trong trường hợp nhãn hiệu có khả năng đăng ký thấp.


PLF là Tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam – đơn vị được Cục sở hữu trí tuệ cho phép thay mặt các cá nhân, doanh nghiệp xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Liên Hệ