HƯỚNG DẪN PHÁP LÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

Thành lập chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động có mục đích sinh lời trong phạm vi những ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.

Điều kiện thành lập chi nhánh

Thương nhân nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện:

  • Thương nhân nước ngoài đã thành lập theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ có tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
  • Tại thời điểm thành lập chi nhánh tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 5 năm tại quốc gia, vùng lãnh thổ họ thành lập.
  • Trường hợp Giấy phép kinh doanh của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động tại quốc gia, lãnh thổ của họ thì thời hạn đó phải còn ít nhất 1 năm khi nộp hồ sơ xin thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
  • Nội dung hoạt động của chi nhánh phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, và phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.

Trường hợp nội dung hoạt động của chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam, hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:

  • Người nước ngoài được bổ nhiệm làm người đứng đầu chi nhánh phải xin giấy phép lao động tại Việt Nam trước khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
  • Người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
  • Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
  • Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
  • Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

 

Trường hợp chi nhánh hoạt động trong các lĩnh vực mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì tùy thuộc vào nội dung hoạt động mà chi nhánh phải đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Có Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Ví dụ: Thương nhân nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt nam hoạt động trong lĩnh vực kế toán, để được hoạt động cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
  • Có chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm nghề nghiệp.
Ví dụ: Thương nhân nước ngoài thành lập chi nhánh kinh doanh dịch vụ chứng khoán, quản lý quỹ, Giám đốc và nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
  • Đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác theo quy định.
Ví dụ: Cũng cùng trường hợp cho chi nhánh kinh doanh dịch vụ chứng khoán, quản lý quỹ phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định là 25 tỷ đồng Việt Nam.
Điều 8, Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP

Khoản 4 Điều 59 và Khoản 4 Điều 60 Luật Kế toán 2015

Khoản 1 điều 62, khoản 1 điều 77. Luật chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung 2010

Khoản 3 Điều 71 NĐ 58/2012/NĐ-CP

 

Quy trình cấp Giấy phép thành lập chi nhánh

 

thanh-lap-chi-nhanh-tai-viet-nam
Các trường hợp sau cần phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành:

  • Nội dung hoạt động của chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam.
  • Thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Việc thành lập chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Trong 3 trường hợp trên, việc cấp Giấy phép thành lập được tiến hành theo quy trình sau:

  • Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép thực hiện cấp Giấy phép thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài.

Điều 13 Nghị định 07/2016/NĐ-CP

 

Thời hạn Giấy phép thành lập chi nhánh

Giấy phép của chi nhánh có thời hạn 5 năm, nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài (nếu Giấy đăng ký kinh doanh đó có thời hạn).

Ví dụ: Thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh là 4 năm. Thời hạn của Giấy phép thành lập chi nhánh không được vượt quá 4 năm.

Khi hết hạn, Giấy phép thành lập chi nhánh có thể được gia hạn.

Điều 9 NĐ 07/2016/NĐ-CP

Quyền của chi nhánh

Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh.

Ví dụ: Hợp đồng thuê xe ô tô, hợp đồng thuê máy in, mua văn phòng phẩm,…

Giao kết hợp đồng và thực hiện các hoạt động thương mại khác phù hợp với nội dung đăng ký trong giấy phép thành lập chi nhánh và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ví dụ:

Chi nhánh công ty Nhật tại Việt Nam được cấp phép với nội dung ngành nghềThực hiện quyền phân phối bán buôn và quyền phân phối bán lẻ sản phẩm quần áo”.
Trong phạm vi này, chi nhánh được quyền giao kết các hợp đồng mua bán sản phẩm quần áo, và các hợp đồng khác để phục vụ cho việc kinh doanh quần áo như: hợp đồng vận chuyển, hợp đồng đóng gói, hợp đồng quảng cáo,… nhưng không được giao kết hợp đồng mua bán túi sách, giày dép.

Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam.

Điều 19 Luật Thương mại 2005

Nghĩa vụ của chi nhánh

Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam như: chế độ báo cáo và chuẩn mực kế toán, phương pháp khấu hao tài sản cố định, phương pháp xác định lãi lỗ, chữ viết màu mực trên chứng từ kế toán, hóa đơn …

Chấp hành quy định khi sử dụng lao động như: tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế,  xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, khai báo tình hình lao động,….

Chi nhánh không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.

Chi nhánh có trách nhiệm gửi báo cáo về hoạt động của mình trong năm trước đó tới Bộ Công thương trước ngày 30/1 hàng năm.

Điều 20 Luật Thương mại 2005

 

Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập chi nhánh

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài.
Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 1 năm;
  • Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán, hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương để chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
  • Bản sao Điều lệ hoạt động của chi nhánh;
  • Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;
  • Bản sao hộ chiếu, hoặc giấy chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam), hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu chi nhánh;
  • Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở chi nhánh bao gồm:
    • Bản sao biên bản ghi nhớ, hoặc thỏa thuận thuê địa điểm, hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở chi nhánh;
    • Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở chi nhánh.

Trụ sở của chi nhánh phải được đặt tại địa điểm được phép hoạt động kinh doanh mà không phải mục đích ở.

Do đó, khi ký các thỏa thuận thuê địa điểm, cần yêu cầu bên cho thuê xuất trình tài liệu chứng minh mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra quy hoạch về ngành nghề được phép hoạt động tại khu vực dự định đặt trụ sở.

Điều 12 Nghị định 07/2016/NĐ-CP

Trường hợp, nhà đầu tư cần PLF tư vấn và thay mặt xin cấp Giấy phép thành lập chi nhánh vui lòng liên hệ PLF