HƯỚNG DẪN PHÁP LÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

Tăng giảm vốn điều lệ Công ty Cổ phần

Hiểu rõ về ‘vốn điều lệ’

Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại.

Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp được hình thành từ nhiều loại tài sản góp vốn khác nhau như: tiền, quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu trí tuệ…của cổ đông công ty.

Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần sở hữu số cổ phần, quyền, lợi ích và nghĩa vụ của cổ đông trong công ty.

Khoản 29 Điều 4, Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp

 

Các trường hợp tăng vốn điều lệ

Chào bán cổ phần mới để huy động thêm vốn dưới các hình thức:

  • Chào bán cho các cổ đông hiện hữu.
Là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.
  • Chào bán ra công chúng.
Chào bán cổ phần ra công chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
  • Chào bán cổ phần riêng lẻ.

Chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phần.

Là trường hợp công ty cổ phần phát hành trái phiếu chuyển đổi, một loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành trái phiếu.

Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phần.

Trường hợp này, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần mà phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức.

Điều 122, Điều 124, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2014

 

Các trường hợp giảm vốn điều lệ

Hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:

  • Đã hoạt động liên tục trong hơn 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp.
  • Đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi hoàn trả vốn góp cho cổ đông.

Mua lại cổ phần đã phát hành theo yêu cầu của cổ đông

Mua lại cổ phần đã phát hành theo quyết định của công ty

Công ty cổ phần có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán.

Công ty cổ phần có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán trong trường hợp:

  • Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
  • Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần.

Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại.

Đối với cổ phần loại khác, giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường.

  • Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty.

Vốn điều lệ không được các cổ đông đóng góp đầy đủ và trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 129, Điều 130, Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014

 

Một số lưu ý khi thay đổi vốn điều lệ

Thay đổi vốn điều lệ là thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần quyết định cách thức và mức tăng, giảm vốn điều lệ.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung (phần vốn điều lệ) trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi.

tang giam von dieu le cong ty tnhh 2 thanh vien tro len

Sau khi thay đổi vốn điều lệ, công ty phải công bố thông tin này trên cổng thông doanh nghiệp quốc gia.

Việc thay đổi vốn điều lệ làm thay đổi bậc thuế môn bài, công ty phải thực hiện kê khai lại tờ khai thuế môn bài để nộp cho cơ quan thuế.

Trường hợp tăng vốn điều lệ làm thay đổi bậc thuế môn bài, công ty phải lập và nộp tờ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo.

Về thời hạn khai thuế môn bài đối với trường hợp này, quy định hiện hành không nêu rõ thời hạn khai thuế chậm nhất là vào ngày 31/12 của năm thực hiện tăng vốn điều lệ như các quy định trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan thuế vẫn áp dụng mốc thời gian này trong khi chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định 139/2016/NĐ-CP.

 

Quy định về thủ tục tăng vốn điều lệ

Ngoài các thủ tục chung, công ty còn phải thực hiện thêm một số thủ tục trong từng trường hợp cụ thể.

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Công ty phải thông báo bằng văn bản theo phương thức bảo đảm đến các cổ đông (theo địa chỉ của họ trong sổ đăng ký cổ đông) chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần.

Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua.

Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.

Trường hợp số cổ phần dự kiến không được người nhận quyền ưu tiên mua hết thì Công ty có quyền bán số cổ phần còn lại cho người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với chào bán cho cổ đông.

Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2014

Chào bán cổ phần riêng lẻ

Công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Phòng đăng ký kinh doanh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ.

Kèm theo thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ phải có:

  • Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ;
  • Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có)

Công ty có quyền bán cổ phần sau 5 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Phòng đăng ký kinh doanh.

Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2014

Chào bán cổ phần ra công chúng

Công ty phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ gửi công văn yêu cầu điều chỉnh, bổ sung.

Công ty phát hành sẽ có 60 ngày để điều chỉnh, bổ sung kể từ ngày nhận được công văn trên. Sau thời hạn này, nếu công ty phát hành không thực hiện điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ ngừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ gửi thông báo đến công ty phát hành.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận thông báo trên, Công ty phát hành phải gửi thêm 6 Bản cáo bạch chính thức đến Ủy ban chứng khoán nhà nước để hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Sau đó, công ty công bố bản thông báo phát hành (theo mẫu) trên một tờ báo điện tử hoặc báo viết có phạm vi phát hành toàn quốc trong 3 số liên tiếp trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực.

Công ty bắt đầu chào bán cổ phần ra công chúng và chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa đã được mở.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, Công ty phải gửi báo cáo kết quả đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán.

Trường hợp tăng vốn bằng hình thức chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phần thì thủ tục được thực hiện tương tự thủ tục chào bán cổ phần.

Trường hợp tăng vốn bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phần, Công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần.

Khoản 1 Điều 13, Khoản 5 Điều 21, Khoản 3 Điều 22 Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung 2010 và Điều 5, 22, 23, 24 Thông tư 162/2015/TT-BTC

Quy định về thủ tục giảm vốn điều lệ

Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Yêu cầu phải bằng văn bản và phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết.

Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Công ty giới thiệu ít nhất 3 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2014

Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua.

Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi “chào bán cổ phần” của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.

Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2014

Hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ

.Trường hợp, nhà đầu tư muốn PLF hỗ trợ thay mặt thực hiện mọi thủ tục tăng giảm vốn điều lệ, nhà đầu tư chỉ cần cung cấp:

  • Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đôngvề việc tăng, giảm vốn điều lệ;
  • Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
  • Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ;
  • Bản gốc hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của công ty cổ phần tại Việt Nam, ngoài các giấy tờ theo yêu cầu dưới đây Nhà đầu tư nước ngoài cần có văn bản chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc góp vốn, mua cổphầncủa nhà đầu tư nước ngoài.

Khoản 2 Điều 44 nghị định 78/2015/NĐ-CP

Biểu mẫu và quy cách chuẩn bị hồ sơ trên sẽ được PLF hướng dẫn chuẩn bị.

Liên Hệ