Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm thương hiệu quốc tế đăng ký nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu của Việt Nam đã nhượng quyền ra nước ngoài như: Cà phê Trung Nguyên, Thời trang T&T, Phở 24,…
Điều kiện nhượng quyền thương mại
Điều kiện đối với Bên nhượng quyền
Hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 1 năm.
Có Văn bản chấp thuận nhượng quyền thương mại của Bộ Công thương trừ các trường hợp không cần phải đăng ký nhượng quyền được nêu bên dưới.
Điều kiện đối với Bên nhận quyền
Thương nhân nhận nhượng quyền thương mại phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Ví dụ: Công ty TNHH An Thành muốn nhận quyền thương mại của Domino’s Pizza thì Công ty TNHH An Thành phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề “Bán buôn thực phẩm”.
Trường hợp, Bên nhận quyền Việt Nam được Bên nhượng quyền cho phép nhượng quyền lại thì Bên nhận quyền Việt Nam phải hoạt động theo mô hình nhượng quyền này trước ít nhất 1 năm.
Hàng hoá, dịch vụ được phép nhượng quyền thương mại
Hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh (như: khoáng sản đặc biệt, độc hại; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường,…).
Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh, Danh mục kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, các loại giấy tờ tương đương (như giấy chứng nhận, chứng chỉ), hoặc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khác theo quy định.
Ví dụ: Nhượng quyền thương mại các loại thuốc dùng cho người thì phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp.
Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Đăng ký nhượng quyền thương mại
Trường hợp nhượng quyền thương mại phải đăng ký tại Bộ Công Thương
Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ví dụ: Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ nhượng quyền tại Việt Nam đã đăng ký với Bộ Công thương
Một cửa hàng McDonald’s tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng vào lãnh thổ Việt Nam
Ví dụ: Công ty SinWoa hoạt động trong Khu chế xuất Linh Trung, TP. Hồ Chí Minh muốn nhượng quyền thương mại sản phẩm may mặc vào lãnh thổ Việt Nam thì phải đăng ký với Bộ Công thương.
Các trường hợp không cần đăng ký nhượng quyền thương mại
Thương nhân Việt Nam nhượng quyền tại Việt Nam.
Ví dụ: Công ty Cổ phần Thế Giới Phân Phối nhượng quyền kinh doanh cafe Viva Star cho thương nhân Việt Nam.
Một quán café nhượng quyền Viva Star tại TP.HCM
Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ví dụ: Phở 24 của Việt Nam nhượng quyền ở nhiều quốc gia khác (Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông,…) thì không phải đăng ký tại Việt Nam.
Cửa hàng Phở 24 tại Hàn Quốc
Đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền thì phải thực hiện chế độ báo cáo tới Sở Công thương. Thương nhân định kỳ thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công thương chậm nhất là vào ngày 15/01 hàng năm.
Khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP;
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP.
Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại
Thực tế, Hồ sơ pháp lý cần chuẩn bị
Trường hợp, thương nhân muốn PLF hỗ trợ thực hiện mọi thủ tục nhượng quyền thương mại, thương nhân chỉ cần cung cấp:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Các tài liệu trên nếu được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và công chứng.
Quy trình đăng ký nhượng quyền thương mại
Thông báo thay đổi thông tin đăng ký nhượng quyền thương mại
Khi có sự thay đổi về Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thương nhân phải thông báo đến Bộ công thương trước 30 ngày.
Điều 17, Điều 19, Điều 20, Điều 22 Nghị định 35/2006/NĐ-CP;
Mục II, Mục III, Mục IV Thông tư 09/2006/TT-BTM.
Thương thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại
Trong quá trình hợp tác lâu dài như hoạt động nhượng quyền, hợp đồng bằng văn bản là thỏa thuận có giá trị pháp lý cao nhất đảm bảo quyền lợi của các bên.
Lưu ý đối với Bên nhượng quyền
Hầu hết các hợp đồng nhượng quyền từ nước ngoài đều phải điều chỉnh lại để phù hợp với quy định kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam.
Một hợp đồng nhượng quyền hiệu quả không chỉ bảo vệ lợi ích của bên nhượng quyền, mà còn góp phần thuyết phục bên nhận quyền rằng đây là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn.
Mặc dù bên nhượng quyền có vị thế đàm phán tốt hơn bên nhận quyền, nhưng để thể hiện thiện chí hợp tác theo nguyên tắc ‘Win-Win’, một bên nhượng quyền khôn khéo thường bảo lưu một số điều khoản quan trọng và tạo điều kiện cho bên nhận quyền thương lượng một số điều khoản khác.
Trên thực tế, nhiều bên nhượng quyền nước ngoài lần đầu kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam phải chịu những khoản lỗ trong thời gian đầu để điều chỉnh chiến lược phát triển nhượng quyền phù hợp.
Một hợp đồng nhượng quyền được soạn thảo kỹ lưỡng trước khi thực hiện nhượng quyền lần đầu tại Việt Nam sẽ giúp bên nhượng quyền:
- dễ dàng quản lý chính sách nhượng quyền trong hệ thống,
- đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất,
- Giảm chi phí, thời gian chỉnh sửa hợp đồng nhiều lần
Hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền do các bên lựa chọn.
Điều 290 Luật Thương mại 2005;
Lưu ý đối với Bên nhận quyền
Hợp đồng nhượng quyền thường do bên nhượng quyền soạn thảo. Trong đó bao gồm rất nhiều quy định bên nhận quyền phải làm và không được làm.
Thương thảo hợp đồng với một bên nhượng quyền đã có một hệ thống vững mạnh thường không có khả năng thương lượng.
Tuy nhiên, bên nhận quyền vẫn nên đặt đề nghị bên nhượng quyền điều chỉnh những điều khoản bất lợi. Ví dụ một số điều khoản quan trọng:
- Độc quyền kinh doanh nhượng quyền trong một phạm vi địa lý nhất định.
- Hỗ trợ nhân lực, tài lực trong việc thiết kế, vận hành, quảng bá,…
- Nhượng quyền lại cho các bên thứ ba
- Đảm bảo quyền lợi trong trường hợp bên nhượng quyền thực hiện các hoạt động mua bán & sáp nhập, hoặc thay đổi mô hình kinh doanh
- Điều kiện gia hạn hợp đồng nhượng quyền
- Chấm dứt hợp đồng nhượng quyền trong trường hợp kinh doanh không hiệu quả
Trường hợp bên nhận quyền cảm thấy có nhiều điều khoản bất lợi và không thể thương lượng thì nên chọn bên nhượng quyền khác.
Một số kinh nghiệm của PLF:
Thứ nhất, nếu bên nhận quyền cũng là bên sở hữu một hoặc nhiều bất động sản – nơi dự kiến đặt địa điểm kinh doanh nhượng quyền thì khả năng thương lượng hợp đồng khá cao.
Chúng tôi chưa từng ghi nhận việc thuê bất động sản nào mà không thể thương lượng.
Thứ hai, một số trường hợp bên nhượng quyền có thể chấp thuận thương lượng hợp đồng nếu bên nhận quyền chấp nhận một khoản phí ban đầu cao hơn mức tiêu chuẩn.
Thứ ba, hợp đồng vẫn có khả năng điều chỉnh nếu bên nhượng quyền lần đầu tiên nhượng quyền tại Việt Nam. Vì khi hợp đồng nhượng quyền tại Việt Nam bắt buộc phải điều chỉnh phù hợp với quy định pháp luật tại Việt Nam như đề cập sau đây.
Quyền của bên nhượng quyền
- Nhận tiền nhượng quyền (phí nhượng quyền ban đầu, phí nhượng quyền thường xuyên, phí đào tạo, phí quảng cáo,…)
- Tổ chức quảng cáo cho hệ thống và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền.
Điều 286 Luật Thương mại 2005
Nghĩa vụ của bên nhượng quyền
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
- Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
- Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Điều 287 Luật Thương mại 2005
Quyền của bên nhận quyền
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Điều 288 Luật Thương mại 2005
Nghĩa vụ của bên nhận quyền
- Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền;
- Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền;
- Tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
- Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
- Khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại, ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có), hệ thống của bên nhượng quyền;
- Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Không được nhượng quyền lại trừ trường hợp có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Điều 289 Luật Thương mại 2005
Nhà đầu tư có thể mời PLF thương thảo hợp đồng, thực hiện các thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề pháp lý từ khi bắt đầu kinh doanh nhượng quyền đến các vấn đề tuân thủ pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.