HƯỚNG DẪN PHÁP LÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid

Chỉ cần nộp một đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một lần duy nhất theo hệ thống đăng ký Madrid, Quý khách hàng sẽ được bảo hộ ở nhiều quốc gia.

 

Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid là gì?

Hệ thống đăng ký Madrid gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Đây là hai văn bản thỏa thuận việc đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới cùng lúc.

Chi phí đăng ký nhãn hiệu theo Madrid sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia.

Sự khác nhau giữa Thỏa ước Madrid Nghị định thư Madrid

Tiêu chí

Nghị định thư Madrid

Thỏa ước Madrid

Điều kiện cần khi đăng ký quốc tế

Đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, hoặc đã có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước xuất xứ.

Đã có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước xuất xứ.

Ngôn ngữ nộp đơn

Tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha

Tiếng Pháp

Thời hạn bảo hộ

10 năm và có thể gia hạn

20 năm và có thể gia hạn

Khi bị đình chỉ theo yêu cầu của nước xuất xứ

Nếu việc đình chỉ của nước xuất xứ được thực hiện trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp đơn tại nước xuất xứ thì đơn đăng ký quốc tế chỉ định tại các quốc gia vẫn có hiệu lực và giữ nguyên ngày chỉ định.

 

 

Không quy định.

Số lượng quốc gia thành viên

98 quốc gia

55 quốc gia

Danh sách thành viên của hệ thống Madrid

 

Đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid

Điều kiện để được đăng ký:

  • Nhãn hiệu phải được cấp văn bằng bảo hộ đăng ký nhãn hiệu của quốc gia xuất xứ mà chủ thể đó đăng ký sản xuất, kinh doanh.
  • Phải nộp đầy đủ phí, lệ phí đăng ký bảo hộ.
  • Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ phải đáp ứng các quy định của pháp luật tại quốc gia muốn bảo hộ.
Ví dụ: Doanh nghiệp Trung Quốc muốn bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì phải đáp ứng điều kiện:
  • Nhãn hiệu phải nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc kết hợp các yếu tố đó.
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa cùng loại của chủ thể khác.

Thời gian đăng ký: 14 đến 16 tháng. Tuy nhiên, thực tế có thể kéo dài nếu hồ sơ đăng ký không được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

Thời hạn bảo hộ là 20 năm và có thể gia hạn.

Trong 5 năm đầu kể từ ngày đăng ký quốc tế, việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu vẫn phụ thuộc vào việc đăng ký nhãn hiệu của nước xuất xứ. Nếu việc đăng ký nhãn hiệu của nước xuất xứ mất hiệu lực (hết hạn, bị hủy bỏ, từ bỏ) thì việc đăng ký quốc tế cũng bị đình chỉ.

Ví dụ: Doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam vào ngày 10/10/2000.

Đến ngày 15/12/2008, Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu đó tại Đức theo thỏa ước Madrid.

Tuy nhiên ngày 10/10/2010, nhãn hiệu bảo hộ tại Việt Nam hết hiệu lực và Doanh nghiệp đã không tiến hành gia hạn.

Vậy nên, nhãn hiệu Doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ tại Đức cũng đương nhiên hết hiệu lực vì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 15/12/2008.

Sau thời hạn 5 năm thì việc đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu sẽ độc lập với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia xuất xứ.

Ví dụ: Trong trường hợp trên, nếu việc đăng ký nhãn hiệu tại Đức được thực hiện sớm hơn trong khoảng 10/10/2000 đến 9/10/2005 thì văn bằng bảo hộ tại Đức vẫn đương nhiên có hiệu lực kể cả khi văn bằng tại Việt Nam hết hạn.

Điều 3, 4, 5, 6, 7 Văn kiện Thỏa ước Madrid năm 1891

 

Đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid

Điều kiện để được đăng ký:

  • Nghị định thư Madrid cho phép đăng ký dựa trên cả đơn đăng ký mới trực tiếp hoặc đã có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại một quốc gia xuất xứ là thành viên.
  • Phải nộp đầy đủ phí, lệ phí đăng ký bảo hộ.
  • Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ phải đáp ứng các quy định của pháp luật quốc gia muốn bảo hộ.

Thời gian đăng ký: 19 đến 20 tháng.

Thời hạn bảo hộ

Đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Được gia hạn thêm 10 năm kể từ khi kết thúc hiệu lực.

Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7 Nghị định thư Madrid

 

Đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam đã tham gia cả Thỏa ước và Nghị định thư Madrid. Do đó, tổ chức, cá nhân đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam có thể chọn một trong hai văn kiện trên để đăng ký nhãn hiệu của mình.

Điều kiện để được đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam:

  • Chủ thể đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid.
  • Chủ thể đã nộp đơn có thể đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid mà không cần chờ đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

Trình tự đăng ký tương tự như đăng ký nhãn hiệu thông thường.

Tuy nhiên, chủ đơn sẽ nộp đơn đăng ký theo mẫu quốc tế đến Cục SHTT Việt Nam. Khoản phí được tính dựa trên số quốc gia chỉ định và nhãn hiệu màu sắc sẽ nộp phí cao hơn nhãn hiệu đen trắng.

Các thủ tục sẽ được thực hiện thông qua Văn phòng quốc tế.

Hồ sơ nộp qua hệ thống Madrid được thẩm định hoàn toàn độc lập. Việc nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ ở quốc gia xuất xứ không ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ tại quốc gia chỉ định và ngược lại.

Hồ sơ đăng ký

  • Tờ khai đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
  • Mẫu nhãn hiệu mong muốn đăng ký.
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
  • Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký.

Điều 41.2, 41.3, 41.5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

 

Gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam

Trong thời hạn 6 tháng trước ngày kết thúc hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp đầy đủ lệ phí gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo thông báo của Văn phòng quốc tế.

Sau khi nộp lệ phí gia hạn thì Đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu sẽ được tự động gia hạn.

Điều 41.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

PLF là Tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam – đơn vị được Cục sở hữu trí tuệ cho phép thay mặt các cá nhân, doanh nghiệp xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Liên Hệ