HƯỚNG DẪN PHÁP LÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

Chuyển giao công nghệ

Việt Nam có những hỗ trợ và ưu đãi thiết thực cho nhà đầu tư thực hiện chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Hiểu rõ ‘chuyển giao công nghệ’

Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác.

Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc một tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình.

Ví dụ: Hãng xe hơi Mazda (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô cho Công ty Trường Hải để mở rộng thị trường tại Việt Nam. Với việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, Trường Hải được phép sản xuất và lắp ráp những chiếc ô tô hoàn chỉnh theo công nghệ của Mazda, sau đó bán cho người tiêu dùng.

Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Góp vốn bằng công nghệ cũng là một hình thức gián tiếp chuyển giao công nghệ.

Điều 16, Điều 17 Luật Chuyển giao Công nghệ 2006


Hình thức chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện thông qua các hình thức sau:

Hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập; hoặc

Phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng. Cụ thể:

  • Dự án đầu tư.
  • Hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
  • Hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm chuyển giao công nghệ.

Điều 12 Luật Chuyển giao Công nghệ 2006

Các công nghệ được phép chuyển giao

Bí quyết kỹ thuật (thông tin được tích luỹ trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của chủ sở hữu công nghệ có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ).

Ví dụ: Bí quyết kĩ thuật trong dự án thực nghiệm nuôi chim yến trong nhà của Công ty Yến sào Khánh Hòa là kinh nghiệm về thói quen của chim yến, sở thích về nơi làm tổ, cách thức gác cột để tổ,..để thu hút chim yến làm tổ và đẻ trứng.

Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án, quy trình công nghệ, công thức, giải pháp, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu.

Ví dụ: Kiến thức kỹ thuật về công nghệ sản xuất máy may là tài liệu chỉ dẫn kỹ thuật đối với bộ phận trục máy, gồm các bản vẽ chi tiết có ghi chú tiêu chuẩn sản xuất, gia công và nguyên liệu sử dụng,… của từng bộ phận.

Giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ: là những phương án được xây dựng từ nền tảng công nghệ đang được áp dụng nhằm giảm bớt chi phí hoặc gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ 2006

 

Thủ tục chuyển giao công nghệ

Các bên được quyền tự do thỏa thuận việc chuyển giao công nghệ, không cần thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp chuyển giao công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao.

Đối với các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học & Công nghệ trước khi thực hiện chuyển giao theo quy trình sau:

huong dan chuyen giao cong nghe tai viet nam cong ty luat PLF

Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2006

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ:

  • Đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ; 
  • Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị: bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động;
  • Tài liệu giải trình về công nghệ;
  • Tài liệu giải trình về việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ theo mẫu;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động; Giấy xác nhận tư cách pháp lý đối với người đại diện, ký tên trong hợp đồng;
  • Văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;
  • Bản gốc hoặc bản sao có công chứng hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức;
  • Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
  • Trong trường hợp có sử dụng vốn nhà nước phải gửi kèm văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư nhất trí với nội dung chuyển giao công nghệ và giá ước tính cho công nghệ được chuyển giao.

Điều 24 Luật Chuyển giao công nghệ, khoản 1, 2 Điều 12 nghị định 133/2008/NĐ-CP

Thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ

Các bên trong hợp đồng và công nghệ chuyển giao

Cần phải xác định thẩm quyền của bên chuyển giao công nghệ;

Thông tin về đăng ký bảo hộ của công nghệ được chuyển giao;

Quyền sở hữu trí tuệ của công nghệ được chuyển giao.

Định giá công nghệ

Một trong những công việc phức tạp và khó khăn là định giá công nghệ. Bên chuyển giao và nhận chuyển giao nên tham vấn và trao đổi thông tin với các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển giao cũng như những thông tin trên thị trường để có một mức giá phù hợp nhất.

Các bên cũng cần quy định phương thức thanh toán cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để có giải pháp thanh toán hợp lý và hiệu quả trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Phạm vi chuyển giao

Xác định rõ phạm vi chuyển giao (chuyển giao quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng) để các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tránh dẫn đến tranh chấp về sau.

Thời gian chuyển giao

Khi chuyển giao quyền sử dụng các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ cần xác định rõ thời hạn chuyển giao công nghệ.


Soạn thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Trường hợp chuyển giao nhiều đối tượng công nghệ thì có thể lập một hoặc nhiều hợp đồng, nhưng nội dung các hợp đồng không được trùng lặp đối tượng công nghệ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật thì danh mục và các thỏa thuận về máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật này phải được ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng đính kèm.

Trường hợp chuyển giao là tài liệu công nghệ có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, công thức, quy trình kỹ thuật thì trong hợp đồng cần ghi cụ thể tên, nội dung các tài liệu về công nghệ sẽ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ dưới hình thức đào tạo thì cần ghi rõ số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, chi phí, thời gian, địa điểm đào tạo trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng nhưng phải đảm bảo sau đào tạo bên nhận tiếp thu và làm chủ công nghệ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ dưới hình thức cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất thì cần ghi rõ số lượng chuyên gia, nội dung, thời gian và chi phí hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký trước khi thực hiện theo Luật Chuyển giao Công nghệ 2006.

Điều 2 Nghị định 133/2008/NĐ-CP

Trường hợp nhà đầu tư cần hỗ trợ chuyển giao công nghệ (bao gồm hoạt động M&A), PLF sẽ cử luật sư tư vấn, tham gia đàm phán, thương thảo hợp đồng, thực hiện các thủ tục hành chính,…  Vui lòng liên hệ:

Công ty Luật PLF

 

Đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu.

Trong trường hợp có nhu cầu đăng ký thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký kết, bên nhận công nghệ gửi hồ sơ đến Sở Khoa học & Công nghệ hoặc Bộ Khoa học & Công nghệ.

Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở để được hưởng các ưu đãi (hỗ trợ vốn, cho vay lãi suất thấp, miễn giảm thuế,…)

 

huong-dan-chuyen-giao-cong-nghe-tai-viet-nam-cong-ty-luat-PLF-2Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Bộ khoa học & Công nghệ

Nghị định 133/2008/NĐ-CP

 

Lệ phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Khi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định Hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhà đầu tư sẽ chịu một khoản lệ phí nhất định..

Lưu ý: Tổ chức, cá nhân tiếp nhận công nghệ tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Khoản 8 Điều 32 Nghị định 133/2008/NĐ-CP

 

Lệ phí thẩm định hợp đồng để đăng ký chuyển giao công nghệ:

Đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ lần đầu:

Lệ phí thẩm định bằng 0,1% tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng và tối thiểu không dưới 5 triệu đồng.

Ví dụ: Tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ là 4 tỷ.

Lệ phí thẩm định = 0,1% x 4 tỷ = 4 triệu (< 5 triệu)
  Lệ phí thẩm định phải nộp là 5 triệu đồng

Sửa đổi, bổ sung Hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Lệ phí thẩm định bằng 0,1% tổng giá trị của hợp đồng sửa đổi, bổ sung nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng và tối thiểu không dưới 3 triệu đồng.

Ví dụ: Tổng giá trị của hợp đồng sửa đổi, bổ sung là 6 tỷ.

  Lệ phí thẩm định = 0,1% x 6 tỷ = 6 triệu (> 5 triệu)
  Lệ phí thẩm định phải nộp là 5 triệu đồng.
 

Lệ phí thẩm định hợp đồng đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:

Lệ phí xem xét, chấp thuận chuyển giao công nghệ (cấp phép sơ bộ) là 10 triệu đồng.

Lệ phí thẩm định hợp đồng để cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ chính thức bằng 0,1% tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng và tối thiểu không dưới 5 triệu đồng.

Điều 4 Thông tư 169/2016/TT-BTC

 

Hỗ trợ, khuyến khích chuyển giao công nghệ

Việt Nam có nhiều chính sách và ưu đãi để nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.

Việt Nam đã thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ bằng các hình thức:

  • Cho vay ưu đãi;
  • Hỗ trợ lãi suất vay;
  • Bảo lãnh để vay vốn;
  • Hỗ trợ vốn.

Đối tượng được hưởng các hỗ trợ trên:

  • Chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
  • Ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ;
  • Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ;
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao.

Mức cao nhất mà Quỹ đổi mới công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp là 30% tổng kinh phí dự án.

Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư.

Ưu đãi về thuế khi thực hiện chuyển giao công nghệ:

  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách báo khoa học.
  • Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ không chịu thuế giá trị gia tăng.
  • Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập trong bốn năm, được giảm 50% thuế thu nhập phải nộp trong chín năm tiếp theo và được miễn thuế sử dụng đất.

Ngoài các ưu đãi ở trên, đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao hoặc chuyển giao công nghệ ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt là:

  • Cá nhân và các thành viên gia đình của nhà đầu tư được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần, thời hạn phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ;
  • Được tạo điều kiện thuận lợi về cư trú, đi lại.

Điều 39, 44, 46 Luật Chuyển giao công nghệ 2006
Nội dung này được viết dựa trên Luật Chuyển giao công nghệ 2006 đang còn hiệu lực.
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Chuyển giao công nghệ 2017, chúng tôi sẽ cập nhật khi Luật này chính thức có hiệu lực ngày 01/07/2018.

 

 

Liên Hệ