Thực hiện hoạt động quảng cáo thường tốn một khoản chi phí khá lớn. Vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu quy định về quảng cáo Việt Nam để tránh vi phạm.
Cách quảng cáo đúng luật
Quảng cáo thương mại có chứa đựng những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải được sự đồng ý của chủ sở hữu đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó.
Ví dụ:
Quảng cáo nước khoáng Evian có sử dụng hình ảnh nhân vật người nhện của hãng phim Marvel.
Thương nhân có quyền so sánh hàng hóa của mình với hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản phẩm quảng cáo sau khi có xác nhận của cơ quan nhà nước về việc sử dụng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để so sánh.
Ví dụ:
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên mì Hảo Hạng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với mì Hảo Hảo của Acecook.
Do đó, nếu mì Hảo Hảo có so sánh với mì Hảo Hạng trong sản phẩm quảng cáo của mình sẽ không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật nếu trước đó Acecook đã được xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về việc này.
Không được lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của trẻ em để đưa vào sản phẩm quảng cáo các thông tin:
- Làm giảm niềm tin của trẻ em vào gia đình và xã hội;
- Trực tiếp đề nghị, khuyến khích trẻ em yêu cầu cha mẹ hoặc người khác mua hàng hóa, dịch vụ;
- Thuyết phục trẻ em về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo sẽ có lợi thế hơn những trẻ em không sử dụng hàng hóa, dịch vụ này;
- Tạo cho trẻ em suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
Quảng cáo thương mại liên quan đến thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi và giống vật nuôi, giống cây trồng:
- Không được khẳng định về tính an toàn, tính không độc hại nếu không được xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước;
- Không được khẳng định về hiệu quả và tính năng của thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi và giống vật nuôi, giống cây trồng nếu không có cơ sở khoa học;
- Không được sử dụng tiếng nói, chữ viết hoặc hình ảnh vi phạm quy trình và phương pháp sử dụng an toàn thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với hàng hóa thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về chất lượng hàng hóa, thương nhân chỉ được phép quảng cáo khi hàng hóa được cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của cơ quan nhà nước, hoặc được công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Ví dụ: Cửa sổ và cửa đi của EUROWINDOW được cấp Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2014/BXD nên sản phẩm này được phép quảng cáo.
Giấy chứng nhận hợp quy và hình ảnh quảng cáo của EUROWINDOW
Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Biển hiệu quảng cáo sử dụng tiếng Anh và Tiếng Việt đúng quy định của Nhà hàng Di Bửu
Điều 18 Luật quảng cáo 2012;
Điều 21, 22, 23, 25, 26 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
Điều kiện quảng cáo đối với một số ngành nghề
Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với Doanh nghiệp nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận kinh doanh của Cơ quan nước ngoài cấp và phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Quảng cáo cho hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của hàng hóa, dịch vụ.
Ví dụ: Để quảng cáo thực phẩm chức năng thì Công ty Dược phẩm phải có Giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế cấp.
Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Ví dụ: Khi quảng cáo về khu biệt thự Nam Viên thuộc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì Công ty Phú Mỹ Hưng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất.
Quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Cụ thể:
Quảng cáo thuốc phải đảm bảo 3 điều kiện sau:
- Thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế;
- Thuốc có Giấy phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam;
- Thuốc có tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.
Giấy phép lưu hành thuốc Tràng Vị Khang
Quảng cáo mỹ phẩm phải có Phiếu công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế.
Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.
Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ phải có:
- Giấy chứng nhận tiêu chuẩn;
- Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước;
- Riêng sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của nước sản xuất và Giấy phép lưu hành.
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có Giấy xác nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh phải có Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp.
Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có Giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc Giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu.
Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.
Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.
Quảng cáo thuốc thú y, thiết bị thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm.
Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
Điều 20 Luật quảng cáo 2012.
Sử dụng một số phương tiện quảng cáo
Quảng cáo trên báo in
Diện tích quảng cáo không được lớn hơn 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo, hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí.
Ví dụ:
Báo The Saigon Times có diện tích 28cm x 20.5cm x 40 trang = 22.960cm2.
Vậy diện tích quảng cáo không quá 15% là 3.444cm2, tương đương với 6 trang
Phụ trương quảng cáo của báo in được phát hành phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày phát hành đầu tiên.
Quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình
Thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng (trừ các kênh, chương trình chuyên quảng cáo);
Lưu ý: Phải có dấu hiệu phân biệt kênh chuyên quảng cáo, chương trình quảng cáo so với các kênh, chương trình và nội dung khác.
Thời lượng phát sóng quảng cáo của kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng (trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo).
Ví dụ: Kênh K+PC là kênh truyền hình trả tiền, phát sóng 24 giờ/ngày. Vậy, thời lượng quảng cáo của kênh này không vượt quá 5%, tức tối đa 1 giờ 20 phút/ngày.
Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình thời sự; chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;
Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá 2 lần, mỗi lần không được quá 5 phút.
Mỗi chương trình vui chơi giải trí không dược ngắt để quảng cáo quá 4 lần, mỗi lần không được quá 5 phút.
Quảng cáo hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động không tính vào thời lượng quảng cáo truyền hình, nhưng phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình.
Ví dụ:
Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim quảng cáo chạy chữ trong chương trình âm nhạc The Voice
Quảng cáo trên báo và trang thông tin điện tử
Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin;
Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.
Ví dụ:
Quảng cáo ứng dụng Grab có đặt nút ‘No thanks’ để tắt quảng cáo
Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử
Chỉ được gửi khi có sự đồng ý trước của người nhận;
Phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, email nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo, và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối quảng cáo.
Ví dụ:
Email quảng cáo của Vietnamworks có nút từ chối nhận tin ‘Unsubscribe’ cuối email theo đúng quy định.
Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép:
- Gửi tin nhắn, email có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình;
- Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ;
- Không được gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá 3 thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận.
Quảng cáo trên các sản phẩm in
Đối với sách chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo;
Ví dụ:
Sách Nhà đầu tư thông minh quảng cáo tác giả Benjamin Graham ở bìa hai
Tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản hoặc biểu trưng, logo, nhãn hiệu và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản tài liệu đó;
Tranh, ảnh, áp-phích, catalougue, tờ rơi, tờ gấp có nội dung cổ động, tuyên truyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được quảng cáo không quá 20% diện tích của từng sản phẩm này.
Biểu trưng, logo, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng của sản phẩm in.
Ví dụ:
Công ty viễn thông Mobifone tuyên truyền đội mũ bảo hiểm với logo quảng cáo đặt dưới cùng, chiếm 20% diện tích băng rôn
Không được quảng cáo trên tiền hoặc giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước.
Quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình
Thời lượng quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình của chương trình văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, hoặc bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách không được vượt quá 5% tổng thời lượng nội dung chương trình.
Ví dụ: Thời lượng các bài hát trong album nhạc của một ca sĩ là 60 phút thì thời lượng quảng cáo không quá 3 phút.
Quảng cáo trên phương tiện giao thông
Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông;
Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông
Ví dụ:
Hình ảnh quảng cáo trên xe buýt đúng quy định
Biển hiệu hoạt động sản xuất, kinh doanh
Phải có các nội dung sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất, kinh doanh; địa chỉ, điện thoại.
Biển hiệu ngang có chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.
Biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường.
Ví dụ:
Biển hiệu đúng quy định của cửa hàng Thế Giới Di Động
Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo
Thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời không được dùng âm thanh.
Việc thực hiện quảng cáo này phải phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Ví dụ:
Coca Cola quảng cáo trên màn hình tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi – Trần Huy Liệu, TP.HCM
Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự
Quảng cáo không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy định của pháp luật về môi trường;
Không được quảng cáo tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện;
Không được quảng cáo trên hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn;
Không được quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn với phương tiện giao thông và các phương tiện di động khác tại nội thành, nội thị của thành phố, thị xã.
Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn
Cần tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện;
Không được che khuất đèn tín hiệu giao thông;
Không được chăng ngang qua đường giao thông.
Ví dụ:
Bảng quảng cáo bia Heineken tại TP.HCM
Hiện nay, việc quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo này không phải xin Giấy phép, mà chỉ cần thông báo tới Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.
Trình tự thông báo
Trường hợp, nhà đầu tư cần PLF hỗ trợ thông báo quảng cáo trên bảng, băng-rôn và tư vấn thực hiện quảng cáo đúng luật, nhà đầu tư chỉ cần cung cấp hồ sơ sau đây:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy tờ chứng minh sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn và kỹ thuật.
Ngoài ra, nếu thương nhân muốn xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì phải xin giấy phép xây dựng.
Quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao
Không được treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo ngang bằng hoặc cao hơn biểu trưng, logo hoặc tên của chương trình; khổ chữ thể hiện trên sản phẩm quảng cáo không quá 1/2 khổ chữ tên của chương trình.
Quảng cáo trên khu vực sân khấu phải đảm bảo mỹ quan và không được che khuất tầm nhìn của người xem.
Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao:
- Không được che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả;
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên, việc chỉ đạo của huấn luyện viên và việc thực hiện nhiệm vụ của ban tổ chức, trọng tài, nhân viên hướng dẫn, y tế, người phục vụ.
Đoàn người thực hiện quảng cáo (Road Show)
Đoàn người thực hiện quảng cáo là đoàn người có từ 3 người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện sản phẩm quảng cáo tại một địa điểm hoặc di chuyển trên đường giao thông.
Khi thực hiện quảng cáo theo đoàn người, cá nhân tổ chức thực hiện quảng cáo phải:
- Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo;
- Thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo tại địa phương chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo.
Ví dụ:
Công ty viễn thông VNPT tổ chức quảng cáo road show
Điều 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36 Luật Quảng cáo 2012.
Sản phẩm phải xác nhận nội dung quảng cáo
Khi thương nhân quảng cáo các sản phẩm đặc biệt phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định quản lý chuyên ngành.
Các sản phẩm cần xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo:
- Thực phẩm;
- Thuốc bảo vệ thực vật;
- Thuốc thú y;
- Phân bón, chế phẩm sinh học.
Ví dụ thực phẩm phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo:
- Thực phẩm chức năng;
- Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
- Nước khoáng thiên nhiên;
- Nước uống đóng chai;
- Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Điều kiện nội dung quảng cáo thực phẩm:
- Đúng tác dụng đã công bố;
- Bảo đảm chính xác: Tên sản phẩm; xuất xứ hàng hoá, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; tác dụng của sản phẩm; các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;
- Riêng thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Trình tự thực hiện:
Thương nhân cần PLF hỗ trợ xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm đặc biệt, vui lòng liên hệ PLF.
Điều 43 Luật An toàn thực phẩm 2010;
Điều 2, 4, 5, 6, 7 Thông tư 08/2013/TT-BYT;
Điều 61, 62 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT;
Chương VII Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT;
Hành vi cấm quảng cáo
Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sau:
- Rượu có cồn trên 15 độ;
- Thuốc lá;
- Sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;
- Thuốc khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của bác sĩ;
- Sản phẩm có tính chất kích dục;
- Súng săn, vũ khí thể thao và hàng hóa có tính chất kích động bạo lực;
- Thuốc có khuyến cáo;
- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh
Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền Việt Nam;
Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý.
Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, … đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức khác.
Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh.
Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
Ép buộc người khác thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Điều 109 Luật Thương mại 2005;
Điều 7 Luật Quảng cáo 2012.